NHỮNG PHỤ NỮ KIỆT XUẤT CỦA TOÁN HỌC
Hypatia thành Alexandria
Hypatia thành Alexandria được coi là người phụ nữ đầu tiên có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Toán học. Bà là người phụ nữ tài năng và xinh đẹp, một người thầy tôn kính trong lòng học trò. Cuộc đời của bà như một bản anh hùng ca, vượt ra ngoài lĩnh vực học thuật, trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật.
Hypatia sống vào khoảng năm 370 đến 415 sau Công nguyên tại thành Alexandria, Ai cập. Bà là con gái của nhà Toán học và triết học Theon thành Alexandria. Bà được người cha truyền thụ kiến thức trong mọi lĩnh vực và gửi đi học ở Athen, Hy Lạp, trung tâm Toán học của thế giới thời đó. Sau khi hoàn thành việc học tập và nghiên cứu tại đây, bà đi vòng quanh Châu Âu trong 10 năm. Bà được nuôi dạy với niềm tin rằng mình có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn, đây là điều hiếm có đối với một phụ nữ, đặc biệt trong thời kỳ này.
Hypatia không chỉ là nhà nghiên cứu xuất sắc mà còn là một giáo viên tài năng. Khoảng năm 400, Hypatia đứng đầu Trường Neoplatonic ở Alexandria. Tại đó, bà giảng dạy Triết học, Toán học và Thiên văn học, đặc biệt là triết học theo trường phái của Platon. Triết học của Platon dạy rằng “Có một chân lý cuối cùng vượt ra ngoài tầm với của suy nghĩ hay ngôn ngữ. Mục đích của cuộc sống là hướng tới chân lý mà không bao giờ có thể mô tả rõ ràng này”. Nhiều người trong số các học trò của bà là những học giả nổi tiếng hoặc sau này trở thành nổi tiếng, như Orestes, Synesius, Socrates. Dựa vào những ghi chép và thư từ còn sót lại của họ, chúng ta có thể thấy được sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính mà họ dành cho người thầy của mình.
Không chỉ là nhà triết học và Toán học, Hypatia còn nghiên cứu về thiên văn học. Bà cũng biết cách chế tạo một số dụng cụ thiên văn. Trong những đóng góp cho Toán học của Hypatia, nổi tiếng nhất là công trình về những đường conic. Bà đã phát triển những ý tưởng về đường conic trong khi biên tập cuốn sách “Về những đường conic của Apollonius”. Ngoài ra, bà còn hỗ trợ cha mình viết những phần bình luận trong cuốn Almagest của Ptolemy.
Bà cũng được cho là đã giúp cha xuất bản phiên bản mới cuốn Cơ sở của Euclid. Theo các ghi chép còn lưu lại, bà là người viết bình luận cho cuốn Số học của Diophantus, những công trình về thiên văn học của Ptolemy. Những bình luận của bà trong các cuốn sách này làm những chủ đề khó hiểu và trừu tượng trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều so với bản gốc. Nhờ những đóng góp đó của Hypatia, những cuốn sách nổi tiếng và những tư tưởng quan trọng của Toán học được lưu truyền cho đến nhiều thế kỉ sau.
Năm 412, trong bối cảnh xung đột tôn giáo, chính trị giữa các phe phái ở Alexandria, những người nắm quyền lãnh đạo thành phố vốn có sẵn định kiến với quan điểm triết học của bà và lo sợ sức ảnh hưởng của bà đối với dân chúng đã gán cho bà tội tà giáo và giết hại bà một cách tàn bạo. Sự kiện này được xem là điểm mốc đánh dấu sự suy tàn của trung tâm học thuật cổ đại Alexandria.
Các công trình nghiên cứu của Hypatia đã thất truyền, ngoại trừ một số tiêu đề và trích dẫn về chúng. Tuy nhiên, dựa vào những bằng chứng ít ỏi còn sót lại, có thể khẳng định Hypatia là nhà biên dịch, biên tập và là người bảo tồn xuất sắc những công trình Toán học thuở ban đầu. Ngày nay, bà trở thành một huyền thoại, là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm hội họa, văn học và điện ảnh.
Emmy Noether
Emmy Noether, tên đầy đủ là Amalie Emmy Noether, là nhà toán học người Đức nổi tiếng vì những đóng góp nền tảng và đột phá trong lĩnh vực đại số trừu tượng và vật lý lý thuyết. Nhiều nhà khoa học tên tuổi, trong đó có Pavel Alexandrov, Albert Einstein, Jean Dieudonné, Hermann Weyl, Norbert Wiener đánh giá Emmy Noether là một trong những nhà nữ toán học quan trọng nhất trong lịch sử toán học, người làm nên cuộc cách mạng trong lý thuyết vành, trường và đại số trên một trường. Trong vật lý học, định lý Noether giải thích mối liên hệ sâu sắc giữa tính đối xứng và các định luật bảo toàn, là công cụ cơ bản nhất của vật lý lý thuyết hiện đại.
Emmy Noether sinh ngày 23 tháng 3 năm 1882 trong một gia đình người Do Thái ở thành phố Erlangen vùng Bavaria. Bố của Emmy là Max Noether (1844-1921), có dòng dõi từ gia đình thương gia ở Đức, nhưng theo nghiệp toán học và là giáo sư ở Erlangen. Mẹ của Emmy là Ida Amalia Kaufmann (1852- 1915) xuất thân từ một gia đình thương nhân giàu có ở Cologne. Emmy là chị cả trong gia đình, dưới bà là ba người em trai. Hai người em đầu của bà đều là những nhà khoa học thành danh, riêng người em út vì có sức khỏe không tốt nên phải sống nhiều trong bệnh viện và qua đời khi còn trẻ.
Emmy ngày nhỏ là một cô bé giản dị, thân thiện và dễ thương. Emmy bị cận thị và đôi lúc còn nói ngọng. Mặc dù là người thông minh nhưng Emmy không nổi bật hẳn trong học tập. Tuy nhiên Emmy cũng thể hiện mình là một cô bé rất nhạy bén trong tư duy logic khi có thể nhanh chóng giải được câu đố của giáo viên ở một bữa tiệc cho thiếu nhi. Như đa số các bé gái thời đó, Emmy cũng học nấu ăn, dọn dẹp và học chơi đàn piano. Emmy yêu thích các điệu nhảy và luôn mong ngóng đến những bữa tiệc với bọn trẻ là con của các đồng nghiệp của bố ở trường đại học.
Khi còn học trung học ở Erlangen, Emmy Noether có ý định trở thành giáo viên dạy Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Tuy vậy, Noether đã không trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ mà thay vào đó bà chọn một con đường khó khăn hơn là theo học toán tại trường đại học.
Ở Đức thời đó, phụ nữ không được theo học chính thức tại các trường đại học. Muốn được tham dự các khóa học, Noether phải được sự cho phép của các giáo sư giảng dạy. Bà là một trong hai nữ sinh viên trong tổng số 986 sinh viên học ở Đại học Erlangen. Sau khi học ở Erlangen hai năm, bà đến Đại học Göttingen. Ở đây, bà tham dự các bài giảng của nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Karl Schwarzschild, các nhà toán học Hermann Minkowski, Felix Klein và David Hilbert.
Năm 1904 khi giới hạn phụ nữ tham gia ở trường đại học bị hủy bỏ hoàn toàn, Noether trở lại Erlangen và quyết định tập trung vào nghiên cứu toán học. Dưới sự hướng dẫn của Paul Gordan bà viết luận án “Über die Bildung des Formensystems der ternären biquadratischen Form (Về các hệ bất biến đầy đủ của những dạng bậc bốn ba biến, 1907)”. Mặc dù luận án này được đánh giá cao nhưng Noether sau này nhớ lại và miêu tả luận án là một “mớ hỗn độn”.
Trong bảy năm tiếp theo (1908–1915) bà giảng dạy tại Viện Toán học Đại học Erlangen mà không có lương, và thường đảm nhiệm thay thế cho bố bà khi ông bị ốm. Năm 1910 và 1911 bà công bố nghiên cứu mở rộng luận án từ ba biến thành n biến số.
Vào năm 1911 khi thầy Gordan nghỉ hưu hoàn toàn, Noether gặp người kế nhiệm của ông là Ernst Fischer. Fischer có ảnh hưởng quan trọng tới Noether, đặc biệt khi ông giới thiệu bà đến với những công trình của David Hilbert. Trong những năm 1913-1916, Noether công bố một số bài báo mở rộng và áp dụng phương pháp của Hilbert cho các đối tượng toán học như trường các hàm hữu tỉ và lý thuyết bất biến của nhóm hữu hạn. Giai đoạn này đánh dấu sự khởi đầu của bà trong lĩnh vực đại số trừu tượng, lĩnh vực mà bà đã có những đóng góp đột phá.
Noether và Fischer thường chia sẻ niềm vui toán học và thảo luận rất lâu về bài giảng sau khi lớp học đã kết thúc. Noether gửi các bưu thiếp đến Fischer nhằm tiếp tục diễn giải các ý tưởng toán học của bà.
Noether đôi khi viết lên bì thư nội dung trao đổi về đại số trừu tượng với đồng nghiệp Ernst Fischer. Bưu thư này đề ngày 10 tháng 4 năm 1915.
Mùa xuân năm 1915, Noether chuyển đến Göttingen theo lời mời của David Hilbert và Felix Klein. Hilbert và Klein muốn những hiểu biết liên quan đến lý thuyết bất biến của bà giúp họ hiểu thuyết tương đối tổng quát, lý thuyết hình học về lực hấp dẫn của Albert Einstein. Hilbert nhận thấy định luật bảo toàn năng lượng dường như bị vi phạm trong thuyết tương đối rộng, do thực tế là năng lượng hấp dẫn tự nó cũng đóng góp vào nguồn của trường hấp dẫn. Ngay khi vừa đến, Noether đã đưa ra cách giải quyết cho nghịch lý này bằng cách chứng minh định lý Noether. Qua định lý này, bà không những đưa ra câu trả lời trong thuyết tương đối tổng quát, mà còn xác định ra những đại lượng bảo toàn cho mọi hệ tuân theo các định luật vật lý có đối xứng liên tục.
Các nhà vật lý Hoa Kỳ Leon M. Lederman và Christopher T. Hill viết trong cuốn sách Symmetry and the Beautiful Universe khẳng định rằng: “Định lý Noether là một trong những định lý toán học quan trọng nhất trong việc định hướng sự phát triển của vật lý hiện đại và có thể sánh ngang hàng với định lý Pythagore”. Einstein khi tiếp nhận công trình của Noether đã viết cho Hilbert: “Hôm qua tôi nhận một bài báo rất tuyệt vời về bất biến từ cô Noether. Tôi rất ấn tượng khi thấy những thứ thế này có thể được hiểu theo cách tổng quát như vậy. Người bảo vệ già ở Göttingen nên được học một số bài học từ cô Noether! Cô ấy dường như có trong tay những bí quyết của mình”.
Trong những năm đầu dạy tại Göttingen, Noether không có một vị trí chính thức nào cũng như không được trả lương, gia đình bà đã trả tiền phòng trọ và ủng hộ sự nghiệp hàn lâm của bà. Các tiết giảng của bà thường để tên Hilbert, và Noether được coi như “người trợ giảng” của ông. Noether luôn sống tiết kiệm và đơn giản, ngay cả sau này bà được trả lương. Bà hầu như không quan tâm tới diện mạo và thời trang. Cháu trai của Mertens, một nhà toán học bà đã quen ở Vienna khi đến giảng bài ở đây, đã tả về bà trong một lần gặp mặt:
… Mặc dù là một người phụ nữ, đối với tôi bà trông như một giáo sĩ công giáo đến từ một miền quê. Bà vận một bộ quần áo màu đen, dài đến mắt cá chân và rất khó tả áo, mũ của đàn ông đội trên mái tóc ngắn của bà… với một chiếc túi đeo chéo ngang vai, bà giống như một người điều khiển xe lửa thời đế quốc.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, cuộc cách mạng Đức 1918–19 mang lại sự thay đổi lớn trong quan điểm của xã hội, bao gồm thêm nhiều quyền cho phụ nữ. Noether đã được chính thức giảng dạy tại đại học Göttingen và bà đã bảo vệ thành công luận án habilitation (luận tiến sĩ khoa học) vào cuối tháng 5 năm 1919.
Noether trong đại số bắt đầu vào năm 1920.
Cùng với W. Schmeidler, bà viết một bài báo về lý thuyết các ideal, trong đó định nghĩa các ideal trái và phải trong một vành. Năm sau đó bà công bố bài báo nổi bật Idealtheorie in Ringbereichen, phân tích các điều kiện dây chuyền tăng dần đối với ideal, trong đó bà đưa ra khái niệm “vành Noether”. Trong lời giới thiệu của quyển sách Các bài báo của Noether, Nathan Jacobson đã viết:
Sự phát triển của đại số trừu tượng, một trong những ngành sáng tạo khác biệt nhất của toán học thế kỷ 20, chủ yếu là nhờ bà – trong những bài báo, bài giảng, và ảnh hưởng cá nhân tới những nhà toán học đương thời.
Những năm sau đó, Noether tham gia nghiên cứu với nhiều nhà toán học nổi tiếng, bà đi giảng bài ở nhiều nơi và giúp đỡ nhiều sinh viên cũng như đồng nghiệp phát triển sự nghiệp của mình.
Năm 1932, Emmy Noether và Emil Artin được nhận Giải tưởng niệm Ackermann– Teubner cho những đóng góp cho toán học. Giải thưởng gồm một khoản tiền 500 Reichsmarks, đây là giải thưởng chính thức duy nhất công nhận sự nghiệp toán học của bà. Tháng 11 cùng năm, Noether đọc báo cáo toàn thể tại Đại hội toán học Quốc tế ở Zürich. Hội nghị năm 1932 được coi là thời điểm vinh quang cao nhất trong sự nghiệp của Noether.
Khi chủ nghĩa Phát xít lên nắm quyền ở Đức vào năm 1933, Noether cũng như nhiều giáo sư Do Thái khác bị sa thải khỏi các trường đại học. Mặc dù cuộc sống đã vô cùng khó khăn nhưng bà vẫn rất lạc quan. Trong một bức thư gửi cho Helmut Hasse, bà đã viết:
… mặc dù vậy, tôi phải nói rằng những điều này không tồi tệ với tôi như những người khác. Ít nhất tôi vẫn còn một chút tài sản nhỏ cho phép tôi có thể ngồi lại để nghĩ suy…
Nhiều giáo sư Do Thái thời bấy giờ đã tìm các công việc ở ngoài nước Đức và họ được hỗ trợ nhiều bởi các đồng nghiệp ở Mỹ. Albert Einstein và Hermann Weyl nhận vị trí giáo sư ở Viện Nghiên cứu cao cấp ở Princeton. Cuối năm 1933, được quỹ Rockefeller tài trợ, Noether sang Mỹ và làm việc ở Bryn Mawr College.
Năm 1934, Noether bắt đầu giảng tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton thông qua lời mời của Abraham Flexner và Oswald Veblen. Thời gian ở Mỹ là giai đoạn thanh bình đối với Noether, bà được các đồng nghiệp ủng hộ và nghiên cứu các công trình của mình.
Tháng 4 năm 1935, Noether được các bác sĩ phát hiện có một khối u trong xương chậu. Bà đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật nhưng không qua khỏi và bà đã mất vào ngày 14 tháng 4 năm 1935. Noether ra đi để lại bao sự tiếc thương của bạn bè và đồng nghiệp trên khắp thế giới. Thi thể bà được hỏa thiêu và tro được rải dưới hành lang của thư viện M. Carey Thomas ở Bryn Mawr.
Trong suốt cuộc đời, Noether luôn sống thật giản dị và khiêm tốn. Mặc dù không được xã hội đương thời thừa nhận những cống hiến to lớn của mình, nhưng ngọn lửa đam mê khoa học không bao giờ tắt trong bà. Ngay cả trong giai đoạn kinh khủng nhất của thời kỳ phát xít, bà vẫn giữ vững tinh thần, vẫn tìm hướng giải quyết những thách thức của toán học. Weyl, trong bài điếu đầy xúc động của mình tại lễ tang của Noether đã viết:
… Bạn đã không tin vào tội ác […] Trong một biển căm hờn và bạo lực, sợ hãi và tuyệt vọng – bạn đã đi theo cách riêng của mình, suy nghĩ về những thách thức của toán học […] Khi bạn không được phép sử dụng giảng đường của Viện, bạn đã mở lớp cho sinh viên ở nhà […] Nhiều người trong chúng tôi đã tin rằng trong bạn sự thù hận sẽ bùng nổ, và sẽ không có sự tha thứ. Nhưng không, tất cả đã không ảnh hưởng gì đến bạn…
Để ghi nhận công lao của Noether, Nhà toán học thiên tài – một trong những nhà nữ toán học lớn nhất trong lịch sử, bà được đặt tên cho nhiều trường học và nhiều giải thưởng. Một con đường ở thị trấn quê hương Erlangen mang tên bà. Ngoài ra, tên bà còn được đặt cho một miệng núi lửa trên mặt trăng và một tiểu hành tinh.
Sofia Kovalevskaya
Sofia Kovalevskaya là nhà toán học lớn của Nga, nổi tiếng với nhiều đóng góp quan trọng cho các ngành giải tích, phương trình đạo hàm riêng và cơ học. Kovalevskaya là nữ tiến sĩ Toán học đầu tiên trên thế giới, cũng là một trong những người phụ nữ đầu tiên tham gia vào ban biên tập của một tạp chí khoa học và nhận chức danh giáo sư tại một trường đại học ở Châu Âu.
Sofia Kovalevskaya sinh ngày 15 tháng 1 năm 1850 tại Moscow, là con thứ hai trong gia đình. Cha và mẹ của bà là những người có học thức trong giới quý tộc Nga, rất chú ý tới việc giáo dục cho con gái của mình, mặc dù việc này không phổ biến trong xã hội thời bấy giờ. Ngoài tiếng mẹ đẻ, Sofia biết tiếng Anh, tiếng Pháp và chơi đàn piano rất giỏi từ thời niên thiếu.
Sofia yêu thích Toán học từ khi còn nhỏ, sau này trong cuốn tự truyện của mình, bà viết “Mặc dù tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của những khái niệm (Toán học) này nhưng chúng tác động mạnh mẽ lên trí tưởng tượng của tôi, truyền cho tôi sự tôn kính đối với toán học như một ngành khoa học huyền bí và sôi nổi, môn học đã mở ra một thế giới những điều kỳ diệu, những con người kì diệu”.
Năm 11 tuổi, cô bé Sofia đã lần đầu nghiên cứu về giải tích thông qua những trang giấy chép những bài giảng của Ostrogradski về phép tính vi tích phân dán trên tường nhà, và ngày càng say mê học toán đến nỗi xao nhãng những môn học khác. Dù bị cha cấm đoán, Sofia vẫn lén mượn sách về đọc vào ban đêm khi cả nhà đã đi ngủ. Một năm sau, trong khi đọc một cuốn sách về Vật lý của giáo sư Tyrtov, người hàng xóm của gia đình, Sofia đã cố gắng để hiểu về các công thức lượng giác trong đó và giải thích theo cách của riêng mình. Giáo sư Tyrtov nhận thấy tài năng của cô bé và đã đề nghị cha của Sofia cho cô đi học sâu hơn về Toán.
Với niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của giáo dục đối với sự tiến bộ xã hội cũng như sự tiến bộ của phụ nữ, Sofia khao khát được tiếp tục nghiên cứu Toán học ở trường đại học. Do không được sự ủng hộ của cha, Sofia phải chấp nhận một cuộc hôn nhân danh nghĩa với nhà nghiên cứu trẻ về cổ sinh vật học Vladimir Kovalevski để có thể ra nước ngoài học đại học. Thật bất hạnh là cuộc hôn nhân kéo dài 15 năm này mang đến cho Sofia không ít buồn phiền, đau khổ và đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu Toán học của bà.
Năm 1869, Sofia tới Heidelberg để nghiên cứu Toán và Khoa học Tự nhiên. Ở đây cũng như nhiều nơi khác của Châu Âu nữ giới không được phép học đại học. Sofia đã thuyết phục để được tham gia các bài giảng một cách không chính thức với sự cho phép của các giáo sư. Sofia đã hoàn thành ba học kỳ rất thành công, và ngay lập tức thu hút sự chú ý của các giáo viên về khả năng Toán học của mình. Họ đều đã nói về cô như một hiện tượng phi thường.
Năm 1871, Kovalevskaya chuyển tới Berlin để nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Weierstrass. Sau ba năm, bà hoàn thành ba bài báo khoa học về phương trình đạo hàm riêng, tích phân Abel và Vành Saturn.
Weierstrass đánh giá những bài báo này như luận án Tiến sĩ, trong đó bài báo đầu tiên được công bố trên tạp chí Crelle’s Journal năm 1875 đặc biệt nổi bật. Bài báo đưa ra định lý nổi tiếng Cauchy-Kovalevskaya, trong đó chỉ ra được những điều kiện cho sự tồn tại nghiệm của một lớp những phương trình đạo hàm riêng.
Năm 1874, Kovalevskaya được nhận bằng tiến sĩ của đại học Göttingen. Tuy vậy, mặc dù có sự tiến cử của Weierstrass, bà vẫn không có được vị trí xứng đáng với năng lực vì giới tính của mình. Trong thời gian này Kovalevskaya cay đắng nhận ra rằng công việc tốt nhất bà có thể có tìm được là dạy số học cho các bé gái cấp 1.
Năm 1880, hai năm sau khi sinh con gái, Kovalevskaya nhanh chóng tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành ba bài báo về khúc xạ ánh sáng. Trong vài năm sau đó, nhiều chuyện buồn đã xảy ra trong cuộc sống của bà. Toán học trong những lúc này không những chỉ là niềm đam mê mà còn là người bạn ở bên, nâng đỡ và động viên Kovalevskaya vượt qua những khó khăn trong cuộc đời.
Trong thời gian này, nhờ sự giúp đỡ của Mittag-Leffler, bà nhận được vị trí phó giáo sư ở Stockholm, Thụy Điển. Bà bắt đầu giảng dạy tại đây vào đầu năm 1884 và được bổ nhiệm chức danh giáo sư vào tháng 6 năm đó.
Những năm tháng ở Stockholm cũng là thời gian năng động nhất của Kovalevskaya, và ở đó bà đã thực hiện những nghiên cứu quan trọng nhất của mình. Bà giảng dạy về những chủ đề mới nhất, trở thành biên tập viên của tạp chí Acta Mathematica. Bà thường xuyên trao đổi với những nhà toán học ở Paris, Berlin và tham gia tổ chức những hội thảo quốc tế. Bà được nhiều người biết tới và bắt đầu hiện thực hóa những việc mình muốn làm từ thời trẻ, đó là viết hồi kí và viết kịch.
Từ năm 1986 đến 1889, Kovalevskaya liên tiếp gặt hái những giải thưởng, trong đó có giải thưởng Bordin của Viện Hàn lâm khoa học Pháp cho công trình “On the Rotation of a Solid Body about a Fixed Point”. Với công trình này bà giải quyết trọn vẹn một bài toán đã được nhiều nhà toán học đặt ra từ lâu. Quy định của giải thưởng này là tên tác giả của các công trình được niêm phong lại và chỉ mở ra khi xác định được công trình nghiên cứu giành giải thưởng. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của ban giám khảo khi biết người giành giải thưởng là một phụ nữ! Đóng góp của công trình đối với Vật lý Toán quan trọng đến nỗi giải thưởng vật chất đã tăng từ 3000 franc lên 5000 franc. Trong bài phát biểu của mình Kovalevskaya nói “Nói những gì bạn biết, làm những gì bạn phải làm và đón nhận những điều có thể”.
Những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này sau đó đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm và khoa học Thụy Điển năm 1889. Kovalevskaya trở thành hội viên của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Kovalevskaya không những nổi tiếng trong Toán học, bà còn được nhớ đến trong vai trò của một nhà hoạt động vì quyền bình đẳng của phụ nữ. Bà đã đấu tranh để phụ nữ được học tập trong điều kiện tốt nhất là vào học chính thức tại các trường đại học. Ngoài làm Toán, Kovalevskaya còn viết văn, kịch, tự truyện và nhiều bài báo về chính trị và xã hội. Bà từng nói “Không thể trở thành một nhà Toán học nếu trong tâm hồn không phải là một nhà thơ.”
Đầu năm 1891, Kovalevskaya bị bệnh cúm, viêm phổi và đã không qua khỏi. Bà ra đi ở tuổi 41, khi đang ở thời kỳ đỉnh cao của năng lực nghiên cứu và danh tiếng trong cộng đồng Toán học.
Một cảnh trong vở kịch “Hypatia” tại Nhà hát Haymarket, London, tháng Giêng 1893. (Nguồn: Internet)
Nguyễn Thị Nhung và Phan Thanh Hồng (sưu và tầm và biên soạn)